Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 8

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐANH

VÀ CHẾT TRÊN THÁNH GÍA

     Chúa Cứu Thế, Isaac mới và đích thực, Con Thiên Chúa Cha hằng hữu, lên tới đỉnh núi hy sinh, cũng chính là nơi mà người mẫu và hình bóng là Isaac đã được tổ phụ Abraham đưa tới (Stk 22:9). Tính chất nghiêm khắc của thánh lệnh phải được thi hành trên Con Chiên vô tội tinh tuyền vô cùng của Thiên Chúa, nhưng đã được ân xá cho con của tổ phụ Abraham. Đồi Golgotha là nơi nhơ nhuốc ô nhục, vì là nơi hành hình các trọng phạm, tử thi của họ xông mùi hôi thối khắp vùng. Chúa Giêsu vô cùng yêu dấu đã tới đỉnh đồi Golgotha, kiệt sức, đầy thương tích. Toàn thánh thể Chúa tan nát không còn hình hài và là một khối đau thương tột cùng.

Khi Mẹ Maria thấy các mầu nhiệm Ơn Cứu Chuộc được hoàn thành, các tên lý hình sắp sửa lột áo Chúa Giêsu để đóng đanh, Mẹ nói với Thiên Chúa Cha: “Lạy Chúa và Thiên Chúa hằng hữu, Chúa là Cha của Chúa Con Duy Nhất Vô Cùng Yêu Dấu. Từ thuở đời đời, Chúa Con được sinh ra là Thiên Chúa thực bởi Thiên Chúa thực; là người trần gian, Chúa Con được sinh ra bởi lòng con và nhận lấy từ nơi con bản tính loài người mà trong bản tính này bây giờ Chúa Con chịu khổ hình. Con đã nuôi dưỡng Chúa Con làm người bằng sữa của con. Con yêu thương Chúa Con làm người với tình mẫu tử vì Chúa Con là Người Con cực châu báu hơn hết mọi người con được sinh ra bởi bất cứ thụ tạo nào khác. Là mẹ của Chúa Con, con có quyền tự nhiên nơi con người của nhân tính cực thánh của Chúa Con. Lạy Thiên Chúa Cha hằng hữu, không bao giờ Chúa vi phạm bất cứ thứ thụ quyền nào của các thụ tạo, bây giờ con dâng quyền này của một bà mẹ cho Chúa, lần nữa con đặt Con Chúa và của con trong tay Chúa để làm Hy Lễ cứu độ nhân loại. Lạy Chúa, xin hãy nhận Hiến Lễ này đẹp lòng Chúa, vì Hiến Lễ này lớn lao hơn cả việc con có thể hiến dâng chính thân con làm lễ vật hoặc chịu đau khổ. Hiến Lễ này cao quí hơn, không những chỉ vì Con của con là Thiên Chúa thực, đồng bản tính với Chúa, mà còn vì Hy Lễ này làm cho con phải chịu khổ cực đau đớn tột cùng. Nếu những số phận đó được thay đổi, con được phép chết để bảo vệ mạng sống cực thánh Chúa Ngôi Hai, con coi đó là điều an ủi vĩ đại và các ước nguyện yêu dấu nhất của con được chu toàn.”

Thiên Chúa Cha hằng hữu hài lòng nhận lời Mẹ Maria. Tổ phụ Abraham chỉ được phép hình dung và trắc nghiệm hy sinh con trai, vì việc thực sự hiến dâng hy lễ như thế Thiên Chúa Cha chỉ dành cho chính Chúa và cho Chúa Ngôi Hai làm người. Bà Sara, mẹ ông Isaac, đã không biết về hy lễ huyền nhiệm đó, không những chỉ vì ông Abraham mau mắn vâng lời, mà cũng vì ông nghi ngờ không muốn để tình mẫu tử của bà ngăn cản việc thi hành lệnh Chúa truyền, mặc dầu bà là người công chính thánh thiện. Nhưng việc đó không xảy ra với Mẹ Maria, Thiên Chúa Cha hằng hữu cho Mẹ biết rõ thánh ý bất khả thay đổi để Mẹ có thể, theo khả năng Mẹ, kết hợp với Chúa Cha trong việc hy sinh Con Một Yêu Dấu.

Lúc đó là sáu giờ, tương đương với mười hai giờ trưa, bọn lý hình dã man lột áo và mão gai ra cùng một lượt. Áo dài của Chúa rộng, không có đường may và không có chỗ xẻ ở trước ngực. Chúng lột áo qua đầu Chúa mà không lột mão gai ra trước. Chúng khơi lại hết các thương tích trên đầu Chúa, một vài cái gai đã gẫy lại, vì bọn lý hình ác độc tàn bạo giựt mạnh áo ra cố tình làm cho Chúa đau đớn tối đa. Chúng lột áo dài đã dính cứng vào các thương tích và máu đã khô, lại xé các thương tích khắp thánh thể Chúa, như thánh vương David đã tiên tri (Tv 68:27). Đây là lần chót và đau đớn nhất, vì khắp mình Chúa có nhiều thương tích hơn, thánh thể Chúa đã kiệt lực; thêm nữa trên đồi Golgotha gió lộng lạnh buốt trong thời gian Chúa chịu đóng đanh như để tăng thêm thống khổ. Bọn lý hình ác độc đóng mão gai trở lại đầu Chúa, khơi thêm thương tích mới; mão gai là y phục duy nhất trên thánh thể Chúa.

Thánh Giá nằm trên mặt đất. Bọn lý hình thực hiện các chuẩn bị cho việc đóng đanh Chúa và hai người trộm cướp. Trong khi đó Chúa Cứu Thế và Thầy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha:

”Lạy Cha hằng hữu và là Thiên Chúa của Con, Đấng uy quyền khôn lường, nhân từ vô cùng và công thẳng vô cùng, Con dâng lên Cha trọn nhân tính Con và mọi sự đã được hoàn thành theo thánh ý Cha bằng việc Con từ lòng Cha xuống trần gian mặc lấy thân xác có cảm giác đau khổ và hay chết để cứu chuộc nhân loại, anh em Con. Lạy Cha, Con cũng dâng lên Cha, cùng với chính Con, Mẹ yêu dấu nhất của Con, tình yêu của Người, các việc làm trọn lành nhất, những buồn phiền đau khổ, sự lo lắng ân cần và khôn ngoan trong việc phụng sự Con, bắt chước và đi theo Con cho tới chết. Con dâng lên Cha đoàn Tông Đồ ít ỏi, Giáo Hội và cộng đoàn các tín hữu, như hiện nay và cho tới tận thế.”

”Con dâng lên Cha, cùng với Giáo Hội, tất cả mọi con cái hay chết của Adong. Con phó thác tất cả mọi thứ trong tay Cha là Thiên Chúa đích thực và toàn năng của Con. Theo các ước nguyện của Con, Con chịu đau khổ và chết cho mọi người, Con ước nguyện tất cả mọi người được cứu rỗi, với điều kiện tất cả đều theo Con và hưởng Ơn Cứu Độ. Nhờ đó họ được khỏi tình trạng nô lệ ma quỉ, trở nên con cái Cha, anh em Con và đồng thừa kế ân sủng nhờ công nghiệp của Con.”

 

”Lạy Cha, cách đặc biệt con dâng những người nghèo khó, những người bị khinh miệt, bị hành hạ sỉ nhục, những người này là bạn hữu Con, những người theo Con trên đường Thánh Giá. Con ước ao danh tánh những người công chính, những người được tiền định được ghi trong trí Cha. Lạy Cha, Con nài xin Cha ngưng hình phạt, đừng nâng cao ngọn roi công lý trên nhân loại, xin đừng phạt chúng như chúng đáng tội. Từ giờ này trở đi, xin Cha là Cha của chúng như Cha là Cha của Con. Con cũng tha thiết xin Cha cho chúng được ơn suy gẫm cái chết của Con với lòng yêu mến sốt sắng. Con cầu nguyện cho những kẻ đang hành hạ Con, để chúng có thể trở về với chân lý. Hơn hết thảy, Con xin Cha cho thánh danh cao cả khôn sánh của Cha được vinh sáng.”

Lời cầu nguyện khẩn khoản nài xin của Chúa Giêsu được truyền thông cho Mẹ Maria. Bắt chước Chúa, Mẹ dâng cũng những lời cầu xin như thế lên Thiên Chúa Cha hằng hữu. Mẹ Maria không khi nào quên hoặc không chú ý tới lời đầu tiên Mẹ nghe được từ miệng Con cực thánh khi còn là Hài Nhi: “Mẹ yêu dấu của Con, Mẹ hãy nên giống như Con.” Lời hứa đó luôn được chu toàn, Chúa cho Mẹ khả năng mới về mọi hồng ân Thiên Chúa, trội vượt trên mọi thụ tạo để đền đáp lại thân xác nhân loại mới mà Mẹ đã cho Chúa trong dạ trinh khiết.

Để đánh dấu các lỗ khoan, bọn lý hình ngạo mạn ra lệnh cho Đấng tạo thành vũ trụ nằm ra trên Thánh Giá. Đấng là Thầy đức khiêm nhượng đã vâng lời không chút chần chờ. Nhưng bọn lý hình, do bản năng chúng tàn ác vô nhân đạo, đã ghi dấu các lỗ khoan quá tầm vóc thân mình Chúa, vì trong đầu chúng nảy ra phương thức hành hạ mới nữa dành cho Nạn Nhân Cực Thánh của chúng. Mẹ Maria biết rõ ý định cực kỳ dã man ác độc này của bọn lý hình. Đây là một trong những nỗi đau đớn lớn lao nhất đối với Trái Tim cực trinh khiết Mẹ trong suốt Khổ Hình Cứu Chuộc. Mẹ Maria thấu suốt các âm mưu của bọn tôi tớ ma quỉ. Mẹ thấy trước những hành hạ thống khổ Con cực thánh Mẹ sẽ phải chịu khi tay chân Chúa bị kéo giãn rời khỏi hốc xương khi chịu đóng đanh vào Thánh Giá. Nhưng Mẹ không thể làm gì để ngăn cản việc đó, vì chính Chúa Cứu Thế muốn chịu những đau đớn này vì loài người.

Khi Chúa đứng dậy khỏi Thánh Giá và bọn lý hình chuẩn bị khoan các lỗ đanh, Mẹ Maria tới bên Chúa; Mẹ hôn tay Chúa. Bọn lý hình cho phép Mẹ Maria đến bên Chúa vì chúng nghĩ rằng nhìn thấy Mẹ hẳn làm cho Chúa đau lòng hơn rất nhiều. Chúng không muốn bỏ sót một nỗi thống khổ nào mà không gây ra cho Chúa. Nhưng chúng làm sao biết được các mầu nhiệm bí ẩn, vì trong Khổ Hình Cứu Chuộc, Chúa không có nguồn an ủi nào vĩ đại hơn là thấy trong linh hồn Mẹ Maria rất thánh sự giống hệt tuyệt vời y như chính Chúa và các kết quả đầy đủ của Khổ Hình Cứu Chuộc.

Sau khi khoan xong ba lỗ đanh, bọn lý hình lại ra lệnh cho Chúa Cứu Thế nằm trên Thánh Giá. Là Tác Giả và Gương Sáng đức nhẫn nhục, Chúa đã vâng lời bọn lý hình nằm dang hai tay trên Thánh Giá. Một tên lý hình vồ lấy bàn tay Chúa Giêsu áp trên lỗ khoan, một tên khác dùng búa đóng chiếc đanh lớn xuyên qua lòng bàn tay Chúa. Các mạch máu và gân bị xé ra, các xương ở bàn tay cực thánh, đã tạo dựng các tầng trời và mọi vật hiện hữu, bị tách rời ra. Tay kia bị kéo căng ra nhưng không tới lỗ đã khoan sẵn vì các gân ở cánh tay kia co lại mà cũng vì bọn lý hình đã ác độc khoan lỗ đanh quá xa. Dùng sợi xích đã trói Chúa trong Vườn Cây Dầu, chúng cột cổ tay Chúa, chõi chân vào Thánh Giá, kéo giãn xương ngực tới khi bàn tay đến lỗ đanh đã khoan sẵn và đóng vào Thánh Giá. Sau đó, chúng chồng tréo hai bàn chân Chúa, quấn sợi xích quanh hai cổ chân, hết sức dã man ác độc kéo hai chân tới lỗ khoan thứ ba và đóng chiếc đanh lớn xuyên qua cả hai bàn chân vào Thánh Giá. Xác cực thánh, mà trong đó Thiên Tính Chúa ngự, đã bị đóng đanh vào Thánh Giá. Các xương sống, xương ngực, xương vai và cánh tay Chúa đều bị kéo rời khỏi hốc xương. Tứ chi cực thánh Chúa đã được Chúa Thánh Thần tạo dựng bị kéo căng giãn ra, đến độ đếm được các xương như thánh vương David đã tiên tri.

Kế đó bọn lý hình lôi phía chân Thánh Giá cùng với Thiên Chúa bị đóng đanh tới gần hố đào sẵn để dựng lên. Một số lý hình dùng vai đỡ phần trên Thánh Giá. Những tên khác dùng những cây kích hoặc trường thương đẩy Thánh Giá đứng thẳng và chèn chặt trong hố đã đào sẵn. Chúa Cứu Thế lúc này bị treo trần truồng trên Thánh Giá giữa không trung lồ lộ trước mắt những đám đông thuộc đủ mọi chủng tộc.

 

Tác giả không được phép bỏ không nhắc tới một hành động man rợ tàn ác khác nữa đã hành hạ thánh thể Chúa Giêsu, khi chúng treo Chúa lên. Để giữ cho Thánh Giá đứng thẳng, nhưng thay vì chống vào Thánh Giá, một số lý hình đã đâm mũi trường thương và mũi kích vào thánh thể Chúa cách khủng khiếp ngay chỗ dưới nách. Trước cảnh tượng ác độc rùng rợn này, nhiều người kêu la phản đối. Bọn người thù ghét Chúa thì nói phạm thượng. Những người hiền từ thì khóc thương. Những người xa lạ thì ngỡ ngàng. Một số người xa lạ nhìn thấy cảnh dã man đó lớn tiếng báo cho người qua đường biết những sự việc đang xảy ra. Nhiều người quay mặt đi vì sợ hãi và xót thương. Những người khác đấm ngực ăn năn vì cảnh đau thương rùng rợn này. Nhiều người tuyên xưng Chúa Giêsu là Người Công Chính. Tất cả các tình cảm khác nhau này đều như những mũi tên xuyên thấu trái tim cực độ yêu thương sầu bi Mẹ Maria.

Máu thánh Chúa từ các vết đanh lúc này tuôn ra xối xả, vì sức nặng của Thánh Thể và vì Thánh Giá rơi mạnh xuống hố đào sẵn làm cho các vết thương bị xé rộng ra. Các vết đanh trên chân tay Chúa là những suối nguồn, lúc này được mở ra, mà tiên tri Isaias mời chúng ta mau mắn vui vẻ tới giải khát và tắm giặt sạch mọi tì vết tội lỗi (Is. 12:3).

Kế đến bọn lý hình đóng đanh hai người trộm cướp rồi dựng thập giá của họ ở bên phải và bên trái Chúa Cứu Thế. Với việc đó chúng muốn cho thấy Chúa xứng đáng ở vị thế nổi bật nhất bị coi là bất lương vĩ đại nhất. Các biệt phái và tư tế hướng toàn thể lòng ác độc tức giận của họ chống lại Đấng thánh vô cùng và vô tội từ bản chất. Họ lắc đầu sỉ vả nhạo báng, ném đá và cát bụi vào Thánh Giá, vào Thánh Thể Chúa và nói: “A ha, Nhà Ngươi, Kẻ phá đền thờ và trong ba ngày xây lại, bây giờ hãy cứu mình đi; Nó chữa lành người khác, mà không cứu được mình; nếu Nó là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi Thập Giá đi, chúng ta sẽ tin Nó” (Mt 27:39-42). Lúc đầu hai người trộm cướp cũng cười nhạo Chúa: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy tự cứu mình và cứu chúng tôi với.” Những lời phạm thượng của hai tên trộm cướp này làm cho Chúa hết sức đau lòng, vì chúng đã ở kề bên cái chết mà không biết lợi dụng những đau đớn chết người này để đền bù phần phạt vì tội ác của chúng. Nhưng ngay sau đó, một trong hai người này lợi dụng được cơ hội vĩ đại nhất, mà một kẻ tội lỗi có được ở đời này, đã ăn năn thống hối tội lỗi.

Chúa Kitô dùng Thánh Giá làm ngai tòa cao sang, tòa giảng dạy Giáo Lý Hằng Sống, để minh chứng giáo lý đã dạy bằng chính gương sáng, Chúa đã nói những lời tột đỉnh yêu thương: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm!” (Lc 23:34). Thầy chí thánh đã dành riêng cho mình, từ chính miệng Chúa nói lên nguyên tắc yêu thương phụ tử này (Gioan 15:12, Mt 15:44). Bây giờ Chúa minh xác và thực hành điều đó trên Thánh Giá, không những chỉ tha thứ yêu thương kẻ thù, mà cũng tha thứ cho những kẻ mà dã tâm của chúng đã tới cực điểm trong việc hành hình, lộng ngôn phạm thượng và đóng đanh Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc chúng. Đó là sự khác biệt giữa cách cư xử vong ân bội nghĩa phạm thượng của loài người, với cách cư xử yêu thương vô cùng nồng nàn của Chúa.

Ôi tình yêu thương khôn tả! lòng hiền dịu khôn lường! lòng nhẫn nhục không thể nào loài người có thể tưởng tượng được, các thiên thần thán phục và ma quỉ khiếp sợ! Do lời thứ nhất Chúa nói trên Thánh Giá và Mẹ Maria cầu bầu cho, mà Dimas, một trong hai người trộm cướp cùng bị đóng đanh, được ơn soi sáng liên quan đến Đấng Cứu Chuộc và Thầy chí thánh. Cảm động đau buồn thực lòng thống hối tội lỗi mình, anh ta quay sang đồng bạn nói: “Mày không sợ Thiên Chúa sao, nhìn coi, mày cũng chịu cùng một hình phạt đó? Dĩ nhiên tao và mày đáng tội, vì chúng ta nhận chịu hình phạt vì tội mình; nhưng Ông Này không làm điều gì sai lỗi.” Và anh ta nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi khi nào Chúa về nước Chúa!” (Lc 23:40).

Các hiệu lực Ơn Cứu Chuộc khởi sự xuất hiện nơi người trộm cướp tột đỉnh diễm phúc này, nơi viên sĩ quan đại đội trưởng, và nơi nhiều người khác đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá. Nhưng người được đặc ân nhất là anh trộm Dimas này, người xứng đáng được nghe lời thứ nhì Chúa Cứu Thế nói trên Thánh Giá: “Amen, Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Tôi.”

Sau khi công nhận người trộm lành, Chúa Giêsu hướng ánh mắt đầy yêu thương vào Mẹ Maria đau khổ cùng với thánh Gioan đang đứng nơi chân Thánh Giá. Chúa nói với Đức Hiền Mẫu và với thánh Gioan, Chúa nói với Mẹ Maria trước: “Thưa Bà, xin hãy nhận con Bà!” rồi Chúa nói với thánh Tông Đồ: “Hãy nhận Mẹ anh!” (Gioan 19:26). Chúa Giêsu gọi Mẹ Maria bằng tiếng 'Bà' mà không gọi bằng 'Mẹ' vì tiếng 'Mẹ' gồm sự ngọt ngào an ủi, nói ra tiếng 'Mẹ' hẳn đã là một điều an ủi xúc động. Trong suốt Cuộc Khổ Hình, Chúa không nhận một sự an ủi nào từ bên ngoài, lúc đó Chúa từ chối mọi sự an ủi hoặc làm dễ chịu từ bên ngoài. Với tiếng 'Bà' Chúa ngụ ý nói: Bà có phúc hơn mọi phụ nữ, khôn ngoan hơn mọi con cái Adong, 'Bà' vững mạnh và chung thủy, không hề bị một lỗi lầm nào, không bao giờ thiếu sót trong việc phụng sự Con, tột đỉnh thành tín trong tình yêu thương đối với Con, mà ngay đến các dòng thác mãnh liệt trong Cuộc Khổ Hình của Con cũng không làm tắt hoặc chống lại được (Dc 8:7). Con sắp về với Thiên Chúa Cha của Con, Con không thể đi theo Mẹ thêm nữa. Người môn đệ yêu dấu của Con sẽ săn sóc phụng dưỡng Mẹ như Mẹ anh ta, và anh ta sẽ là con của Mẹ. Mẹ Maria hiểu mọi điều này. Từ giây phút đó thánh Tông Đồ đã nhận Mẹ Maria là Mẹ ngài. Thánh Gioan được ơn soi sáng hiểu biết giá trị kho tàng cực kỳ vĩ đại của Thiên Chúa trong mọi chương trình tạo dựng kế sau nhân tính của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Nhờ ánh sáng này, thánh Tông Đồ tôn kính và phụng dưỡng Mẹ Maria đến ngày Mẹ về thiên đàng. Mẹ Maria cũng nhận thánh Gioan là con trong đức vâng lời khiêm tốn.

Đã gần chín giờ (tương đương sáu giờ chiều), bóng tối và xáo trộn thiên nhiên cho thấy chắc chắn đây là đêm hỗn loạn. Chúa Cứu Thế nói lời thứ bốn trên Thánh Giá bằng giọng lớn và mạnh, để mọi người đứng gần  đó có thể nghe: “Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Chúa bỏ Con?” (Mt 27:46). Chúa Giêsu thốt lên lời này bằng tiếng Do Thái, nhưng không được mọi người nghe và hiểu như nhau. Lời đó bắt đầu bằng từ ngữ   “Eli, Eli”, một số người nghĩ rằng Chúa đang kêu cứu ông Elias, và một số trong bọn chúng nhạo báng: “Để coi xem ông Elias có đến cứu Nó khỏi tay chúng ta không?” Chúa buồn phiền vì Ơn Cứu Chuộc vô cùng dào dạt dư thừa được ban cho cả loài người, lại không ích lợi gì cho những kẻ bị án trầm luân đời đời. Chúa thấy chính Chúa bị tách rời khỏi chúng trong niềm hạnh phúc đời đời, mà Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc chúng để chúng được hưởng. Vì điều này phải xảy ra theo quyết định do thánh ý Thiên Chúa Cha hằng hữu, Chúa Giêsu đã kêu nài điều đó cách yêu thương và buồn phiền trong những lời: “Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Chúa bỏ Con?”

Để xác nhận điều buồn phiền này, Chúa Giêsu nói thêm: “Ta khát!” Những đau đớn và khổ não của Chúa dễ dàng gây ra cái khát tự nhiên. Nhưng đối với Chúa Giêsu đây không phải là lúc kêu khát tự nhiên hoặc để làm cho hết khát. Chắc hẳn Chúa Giêsu đã không nói đến điều đó khi đã quá gần tới lúc hết khát nước tự nhiên, ngoại trừ để diễn tả một mầu nhiệm vô cùng cao cả. Chúa Giêsu khao khát thấy các con cái Adong được hưởng tự do hạnh phúc Chúa ban và làm cho họ đáng hưởng, nhưng lại bị quá nhiều người khước từ. Chúa khao khát ước ao rằng tất cả mọi người sống hợp với Chúa trong đức tin, yêu mến Chúa, được hưởng nhờ công nghiệp và các thống khổ của Chúa, chấp nhận tình thân mến và ân sủng Chúa dành cho. Chúa ao ước nhân loại không làm mất hạnh phúc đời đời Chúa để lại. Đây là cái khát của Chúa Cứu Thế và Thầy chúng ta. Chỉ một mình Mẹ Maria rất thánh hiểu rõ điều này.

Mẹ khởi sự, với lòng yêu thương bác ái nồng nàn, kêu mời tất cả các kẻ nghèo khó, những người bị đau khổ, những người khiêm tốn, những người bị khinh miệt chà đạp, đến với Chúa Cứu Thế và làm cho hết, ít nhất là một phần, cái khát của Chúa. Nhưng những người bội bạc đó và bọn lý hình, biểu lộ sự cứng lòng bất hạnh của chúng, đã cột miếng bọt biển nhúng trong mật đắng và giấm vào cây sậy đưa lên môi Chúa cách chế giễu, cho Chúa uống giấm pha mật đắng. Như thế, chúng làm trọn lời tiên tri David: “Khi Ta khát, chúng cho Ta uống giấm chua” (Gioan 16:28, Tv 68:22).

Nối kết với cùng một mầu nhiệm đó, Chúa Cứu Thế nói lời thứ sáu: “Mọi sự đã hoàn tất” (Gioan 19:29). Bây giờ hoàn tất việc Ta đã vâng lệnh Thiên Chúa Cha hằng hữu xuống trần gian chịu đau khổ và chết để cứu chuộc nhân loại. Bây giờ hoàn tất mọi lời Sách Thánh, các lời tiên tri, mọi hình ảnh trong Cựu Ước, và cuộc đời trần thế mà Ta đã nhận trong lòng Thánh Mẫu của Ta. Bây giờ được thiết lập trên trần thế gương sáng của Ta, các giáo lý, các Nhiệm Tích và phương tiện chữa bệnh tật tội lỗi. Lúc này phép công thẳng của Thiên Chúa Cha được làm nguôi đối với nợ nần con cháu Adong phải trả. Bây giờ Giáo Hội của Ta được sung túc các phương thuốc chữa trị tội lỗi loài người. Toàn thể việc Ta xuống trần gian được hoàn thành về phần Ta, Đấng Khôi Phục trần gian. Nền tảng kiên cố Giáo Hội khải hoàn bây giờ được đặt trong Giáo Hội chiến đấu, để không một thứ gì có thể lật đổ hoặc làm thay đổi Giáo Hội. Đây là các mầu nhiệm chứa đựng trong lời “Mọi sự đã hoàn tất.”

Sau khi đã hoàn tất công trình Cứu Chuộc để qua sự chết trở về với Thiên Chúa Cha, Chúa Cứu Thế nói lời cuối cùng: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha.” Chúa Giêsu nói lời này lớn tiếng và mạnh, những người đứng gần Thánh Giá có thể nghe rõ. Khi nói những lời này, Chúa ngước nhìn lên trời, nói với Thiên Chúa Cha hằng hữu, với âm thanh cuối cùng Chúa trút linh hồn và gục đầu xuống. Do quyền lực Thiên Chúa trong các lời này, Lucifer và toàn thể ma quỉ theo nó bị ném xuống hỏa ngục. Mẹ Maria rất thánh, Mẹ Chúa Cứu Thế, Đấng Đồng Công trong Khổ Nạn Cứu Chuộc, Đức Nữ Vương toàn thắng và Thầy dạy mọi thánh đức, thấu triệt các mầu nhiệm này.

Để Mẹ Maria có thể tham dự Cuộc Khổ Nạn Cứu Chuộc cho tới cuối cùng, Mẹ cảm thấy trong thân xác Mẹ những hành hạ y như nơi thánh thể Chúa Cứu Thế Con Mẹ. Lúc này Mẹ Maria cảm thấy và chịu những đau đớn quằn quại vì cái chết của Chúa. Mẹ Maria không chết vì được Thiên Chúa bảo vệ, trong khi mà cứ theo tự nhiên thì cái chết chắc chắn đã xảy ra. Ơn trợ giúp lạ lùng này kỳ diệu hơn tất cả mọi đặc ân khác Mẹ Maria được trong suốt thời gian Chúa chịu khổ hình. Sự đau đớn cuối cùng này mãnh liệt và xuyên thấu xương tủy hơn. Tất cả các đau đớn các thánh tử đạo và những người bị hành hạ tới chết từ khởi đầu loài người cho tới tận thế không thể nào so sánh được với những đau đớn Mẹ Maria chịu trong Cuộc Khổ Hình của Chúa. Mẹ Maria vẫn đứng nơi chân Thánh Giá cho tới tối, khi thánh thể Chúa được an táng như sẽ được kể trong chương tiếp.

LỜI MẸ MARIA

Con của Mẹ, suốt đời con, con hãy tận dụng khả năng trí óc để nhớ các mầu nhiệm được tiết lộ cho con trong chương này. Mẹ, là Mẹ và Thầy con, sẽ xin Chúa Giêsu, vì quyền năng vô cùng của Chúa, in vào trái tim con sự hiểu biết, mà Mẹ đã cho con, để sự hiểu biết đó được bền chặt và luôn ở trước mắt con bao lâu con còn sống. Nhờ hồng ân này, con luôn nhớ Chúa Kitô đã bị đóng đanh là Con Mẹ, là Chúa Yêu Dấu của con, không bao giờ quên các cực hình và giáo lý được Chúa dạy từ trên Thánh Giá. Vì mọi đặc ân con thụ đắc buộc con phải tận dụng mọi khả năng bắt chước Chúa, vì đây là hoa trái đích thực học thuyết của Mẹ, Mẹ muốn từ nay trở đi con sống mà bị đóng đanh cùng với Chúa Kitô, hoàn toàn tan biến theo gương và khuôn mẫu của Chúa, và chết đối với cuộc đời trần thế này (2 Cor. 5:15).